Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcNhìn ra thư viện bạnHoạt động Thư viện góp phần giảm bớt sự cách biệt giàu/nghèo thông tin trong nền kt tri thức

Hoạt động Thư viện góp phần giảm bớt sự cách biệt giàu/nghèo thông tin trong nền kt tri thức

Cập nhật ngày 20/12/2013
Cùng với những tiến bộ xã hội do những thành tựu khoa học và công nghệ mang lại, cuộc hội nhập để phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa không thoát khỏi một thách thức vô cùng to lớn: sự phân hóa giàu/nghèo, đặc biệt giàu/nghèo về thông tin. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài tình trạng mang tính quy luật này.

Sau khi thử phân loại giàu/nghèo thông tin ở nước ta hiện nay theo 2 nguyên nhân: thiếu phương tiện, thiếu kinh phí và có phương tiện mà chưa biết khai thác, có kinh phí mà chưa biết sử dụng thích đáng; đặc biệt là chưa biết khai thác các phương tiện truyền tin hiện đại, bài viết trình bày mấy suy nghĩ bước đầu cho thấy hoạt động thư viện có thể góp phần giảm bớt sự ngăn cách giàu/nghèo thông tin đang hình thành và phát triển ở nước ta hiện nay.

1.  Sự phân hóa giàu/nghèo trong xã hội thông tin

Cùng với những tiến bộ xã hội với tốc độ chóng mặt do những thành tựu khoa học và công nghệ mang lại, cuộc hội nhập để cùng phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa vẫn không thoát khỏi một thách thức vô cùng to lớn: sự phân hóa giàu/nghèo. Việt Nam ta cũng trong khung cảnh ấy. Một nghiên cứu gần đây cho thấy sự cách biệt giữa nhóm người giàu nhất với nhóm người nghèo nhất ngày một cách xa chứ không giảm đi như chúng ta mong đợi! Điều này không chỉ xảy ra ở nền kinh tế vật chất mà cả trong nền kinh tế tri thức.

Ngày nay, trên lý thuyết, người ta đều mong muốn tiềm năng phi thường của các công nghệ mới - công cụ chủ đạo dùng để khám phá trong nhiều lĩnh vực - không tuột khỏi tay một ai, vì mọi  sự truy cập không bị giới hạn ở khả năng tiếp nhận. Song để công nghệ thông tin và truyền thông có thể thực sự đến được với mọi con người ở mọi vùng trên thế giới thì quả thật, đó là điều còn xa mới thực hiện được.

Trong lĩnh vực giáo dục, các công nghệ mới mở rộng đáng kể các khả năng tiếp cận tri thức và cùng với các hình thức giáo dục truyền thống và chính thức, các công nghệ mới có thể mở ra những con đường mới đáp ứng cho những nhu cầu học tập khác nhau của các xã hội và cá nhân. Trong lĩnh vực khoa học, các công nghệ mới đã tạo ra mọi loại cơ hội mới cho tiếp cận, chia sẻ và truyền bá thông tin và nghiên cứu trên diện rộng và theo cách tương tác. Các công nghệ mới cũng chứa đựng vô số khả năng cổ vũ cho tính đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, khuyến khích một sự đối thoại thực sự, đặc biệt là thông qua các công nghệ văn hóa. Các công nghệ mới cũng gợi ra những phương thức sáng tạo mới và hình thành các nhóm công chúng mới. Theo tinh thần đó, Ngài Koichiro Matsuura, Tổng giám đóc UNESCO từng phát biểu:

“Nếu như hiện nay các công nghệ mới đang chỉ đến được với một phần rất nhỏ dân chúng trên thế giới thì chúng cần phải trở thành một phần chủ đạo của việc xây dựng các xã hội tri thức mới đang nổi lên, và sẽ quyết định những mô hình mới về tăng trưởng và sáng tạo của cải. Do vậy, để đẩy nhanh tiến tới một thế giới công bằng hơn và để có những xã hội có nhiều thành phần tham gia hơn và vững chắc hơn, chúng ta phải khai thác thế cờ công nghệ mới này và phải làm tất cả để sao cho cái hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo không bị hằn sâu thêm bởi cái hố ngăn cách giữa người giàu tin với người nghèo tin (rich/poor info), giữa người giàu công nghệ và người nghèo công nghệ, hiện diện hay khiếm diện về mặt văn hóa” (1, tr.778).

Trong xã hội thông tin, người ta nói rằng một đất nước nghèo thông tin do nền kinh tế lạc hậu, cơ sở hạ tầng thấp kém, tự đóng cửa hoặc bị phong tỏa, o bế đủ kiểu, và trong một cộng đồng, cũng lại có sự phân biệt kẻ giàu / người nghèo. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài tình trạng mang tính quy luật này.

Trong bài viết này, sau khi thử phân loại  giàu/nghèo thông tin, chúng tôi muốn trình bày mấy suy nghĩ bước đầu cho thấy hoạt động thư viện có thể góp phần giảm bớt sự ngăn cách giàu/nghèo thông tin trong nền kinh tế tri thức, đang hình thành và phát triển ở nước ta hiện nay.

2.  Hoạt động thư viện có thể góp phần giảm bớt sự ngăn cách giàu/nghèo thông tin

Chúng tôi nghĩ rằng có thể tạm phân loại giàu/nghèo thông tin ở nước ta hiện nay theo 2 nguyên nhân chính phân hóa giàu/nghèo thông tin như sau:

      1.Thiếu phương tiện, thiếu kinh phí;

     2.Có phương tiện mà chưa biết khai thác, có kinh phí mà chưa biết sử dụng thích đáng; đặc biệt là chưa biết khai thác các phương tiện tìm tin hiện đại.

Trong xã hội thông tin, cá nhân nghèo thông tin chủ yếu là do không có điều kiện tiếp cận thông tin cập nhật, bởi thiếu phương tiện, thiếu kinh phí hoặc do nhiều năm quen sống trong chế độ bao cấp, cho nên nay - dù được cấp một khoảng kinh phí dồi dào - vẫn có tâm lý tiếc/sợ chi tiền cho người khác sử dụng (cả khi dự toán cho đề án có mục chi cho công tác thông tin, tìm kiếm tư liệu, nhưng người ta giữ để tự làm, dù biết rằng tự làm thì khó mà thu thập được đầy đủ thông tin - do thiếu nghiệp vụ), hoặc do tâm  lý quen được sử dụng miễn phí. Còn nhớ trong một cuộc hội thảo, khá nhiều người trong cử tọa đồng tình với ý kiến phàn nàn nỗi bực mình khi sử dụng Internet chỉ vì phải tốn nhiều thời gian tìm mãi mới thấy trang tin thật sự cần truy cập thì nó đòi phải trả tiền!

Và quả là đáng tiếc một khi có điều kiện tiếp cận kho tin khổng lồ mà không khai thác được, chỉ do thiếu trình độ ngoại ngữ, do không biết cách tìm, do không sử dụng được các phương tiện tìm tin hiện đại (và không biết khai thác các dịch vụ thư viện hiện đại có sẵn).

Nằm trong những thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ hai mươi năm qua, Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh và mạnh về công nghệ thông tin. Vậy mà đáng tiếc là do nhiều nguyên nhân khác nhau, còn không ít nhà nghiên cứu ở trình độ cao không dùng được máy vi tính và truy cập Internet(**). Có thể có một nguyên nhân do máy vi tính là phương tiện chính xác, lại sử dụng hệ điều hành chủ yếu bằng tiếng Anh nên không “thân thiện” với các vị có tuổi đời cao (mà theo tài liệu đã dẫn, chỉ có 79 GS. Dưới tuổi 55 và 64 PGS. dưới 45).

Nguồn tài liệu có thể khai thác ở/từ các thư viện chắc chắn có thể giúp khắc phục tình trạng thiếu phương tiện, thiếu kinh phí là lẽ đương nhiên. Không kinh phí cá nhân nào, và cả nguồn kinh phí dự án có tài trợ lớn đi nữa cũng không có đủ ngân sách cho việc mua tất cả các tài liệu cần thiết. Cách tiết kiệm và hiệu quả nhất vẫn là khai thác thông tin ở/từ những nơi lưu giữ và quản lý tri thức hiện đại, trong đó có các thư viện.

Phát huy khả năng sẵn có, chúng tôi đã có dịp thực hiện tốt 2 dịch vụ thư viện - và vì đáp ứng được yêu cầu đặt ra nên người sử dụng hết sức hài lòng - như dưới đây:

     - Tìm và sao chụp được giúp bạn đọc 1 văn bản quan trọng mà nhà nghiên cứu này (là GS., TS.) đã có thông tin trước đó, nhưng lại thiếu chính xác…và chỉ căn cứ theo đó, thủ thư đã tìm mà không thấy… Người thủ thư đã biết dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp mà phán đoán tình thế, kết quả là đã tìm được đúng tài liệu mà nhà nghiên cứu này đang rất cần.

      - Lập và cung cấp thư mục chủ đề phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu khoa học của bạn đọc, và sau đó tiến hành sao chụp tài liệu theo yêu cầu của bạn đọc đó. Kết quả đáng mừng là nhà nghiên cứu nọ (cũng la GS., TS.) đã có trong tay mấy trăm trang tài liệu cần cho nghiên cứu của mình và đã thừa nhận với chúng tôi rằng chi phí rẻ hơn nhiều lần, chưa kể tiết kiệm được thời gian quý hiếm, nếu tự đến tìm kiếm.

Với hoạt động của thư viện trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng cần giải quyết tốt 2 mâu thuẫn sau trong quan niệm:

1-  Giải quyết mâu thuẫn giữa độc quyền với xã hội hóa nguồn lực thông tin

GS., VS. Đặng Hữu đã từng nhấn mạnh rằng “vốn quý nhất trong nền kinh tế tri thức là tri thức. Tri thức là nguồn lực hàng đầu tạo sự tăng trưởng. không phải như các nguồn lực khác bị mất đi khi sử dụng, tri thức và thông tin có thể được chia sẻ, và trên thực tế lại tăng lên khi sử dụng” (3, tr.26).

Thật vậy, nguồn tài nguyên vật thể (như đất đai, khoáng sản…) đưa ra sử dụng dần sẽ cạn kiệt và thế hệ sau có thể không còn để dùng… Đó thật sự là điều khiến mọi người hiện nay đều lo lắng về mục tiêu “phát triển bền vững”… Song thông tin đưa ra sử dụng thì ngược lại, nó không những không bị cạn kiệt mà còn có thể tạo ra nhiều sản phẩm làm cho nguồn lực thông tin dồi dào thêm, và thông tin khoa học được nhà nghiên cứu sử dụng rất có thể sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm khoa học mới hết sức đa dạng, mang lại cho xã hội nhiều tri thức mới, làm giàu thêm kkho tàng trí tuệ của loài người.

Quan điểm này chủ trương người giàu thông tin - cá nhân tự có (riêng) hay tổ chức xã hội giao quản lý một nguồn lực thông tin phong phú - cần chia sẻ thông tin cho người nghèo thông tin mà không sợ nghèo đi.

Đương nhiên là sẽ mất độc quyền thông tin, kiểu như nạn xé phiếu thư mục ở thư viện trước đây cốt để “giữ tủ”, nhưng nay thư viện hiện đại đã có mục lục điện tử thì nạn “găm” tài liệu lại có thể có những biểu hiện khác, song vẫn với ý tưởng độc quyền giữ kho tư liệu, thậm chí mạo nhận là giữ gìn tài sản quốc gia, với lối biện minh để cho thế hệ này chưa đủ sức nghiên cứu thì thế hệ sau sẽ khai thác, theo kiểu “cơm chưa ăn, gạo còn đấy”…

2-  Giải quyết mâu thuẫn giữa bảo quản với khai thác thông tin

Để bảo quan lâu dài nguồn tài liệu gốc, đôi khi thư viện phải đưa ra những chế độ không “thân thiện” với người sử dụng (như hạn chế đối tượng muốn khai thác trực tiếp, thu lệ phí cao,…) để khuyến khích chỉ khai thác từ các bản sao chẳng hạn.

Không còn bó hẹp ở việc chăm lo cất giữ và bảo quản (= chức năng tàng trữ) tài liệu như trước đây, hoạt động thư viện ngày nay, đặc biệt là thông qua các dịch vụ thư viện hiện đại (4, tr.39-41), đã và đang thực hiện mở rộng sẽ rất hữu ích cho những ai có phương tiện mà không có điều kiện khai thác, có kinh phí mà không biết sử dụng thích đáng; nhất là không có điều kiện khai thác sức mạnh của các phương tiện tìm tin hiện đại - kể cả thiếu thời gian trực tiếp khai thác. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay nhiều tổ chức và cá nhân còn đang lúng túng và băn khoăn nhiều là tổ chức các hoạt động dịch vụ thư viện thế nào cho hợp lý, nhất là việc tổ chức các kho tư liệu đặc thù, thường được giới nghiên cứu xem là “quý hiếm”.

Tài liệu quý hiếm, chưa tìm được nguồn kinh phí để bảo quản chúng bằng các phương tiện hiện đại (như số hóa chẳng hạn) nếu cho khai thác trực tiếp thì dễ hỏng, đúng là rất cần hạn chế người sử dụng. Song tài liệu quý hiếm tuyệt nhiên không đồng nghĩa với tài liệu mật - gắn với an ninh quốc gia chẳng hạn - rất cần bảo quản đặc biệt. Và thiết nghĩ, dù là thư viện công cộng hay thư viện chuyên ngành, đa ngành (theo cách phân loại trong Pháp lệnh thư viện, điều 16) thì cũng không có chức năng lưu giữ những tài liệu này.

Trong tình hình ấy, một sự phân công không hợp lý chậm được khắc phục, và sự lúng túng không dám quyết đoán của người lãnh đạo cũng dễ có thể bị quy kết là “đười ươi giữ ống”, thậm chí bị coi là có ý định “trục lợi”.

3.  Kết luận

Trong xã hội tri thức, thông tin trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng; mọi người đều có nhu cầu thông tin thì khả năng tiếp cận và truy nhập vào các kho thông tin cần thiết cho mỗi cá nhân và nhóm người lại không giống nhau và người ta nói đến sự phân biệt kẻ giàu / người nghèo thông tin, kể cả ở các nhà nghiên cứu đã có học hàm, học vị cao. Sự thiếu vắng một văn hóa chia sẻ thông tin giữa các cá nhân, các nhóm hoặc các mạng lưới trong và ngoài tổ chức đã trở thành một điểm yếu mấu chốt trong những người sử dụng tin, kể cả giới nghiên cứu, ở nước ta một thời.

Tuyên ngôn của UNESCO về thư viện công cộng 1994 xác định “Thư viện công cộng là trung tâm thông tin địa phương, nơi tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng có được tri thức và những thông tin thuộc tất cả các thể loại” (5, tr.20).

Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 phê duyệt “Chiến lượt phát triển thông tin đến năm 2010”. Những vấn đề cần và cấp thiết hiện nay trong sự phát triển thông tin của đất nước đã được bản chiến lược đề cập tới, trên cơ sở nhấn mạnh: Chiến lược phát triển thông tin là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, thông tin là công cụ cung cấp tri thức, dự báo sự phát triển và là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Nguồn tài liệu ở các thư viện chắc chắn có thể giúp khắc phục phần nào tình trạng thiếu phương tiện, thiếu kinh phí là lẽ đương nhiên, song hoạt động thư viện - đặc biệt là các dịch vụ thư viện - sẽ rất hữu ích cho những ai có phương tiện mà không biết khai thác, có kinh phí mà không biết sử dụng thích đáng; đặc biệt là không biết khai thác các phương tiện tìm tin hiện đại.

Ghi chú:

(*) PGS., TS. Phòng Nghiệp vụ thư viện, Viện Thông tin Khoa học xã hội.

(**) Tại hội thảo do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 12/7/2005, báo cáo của GS. Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng cho biết cả nước hiện có 531 GS. và 2.544 PGS. Vậy mà qua khảo sát 360 GS. và 1.100 PGS. thì còn tới 30,3% GS. và 28,5% PGS. không dùng máy vi tính, và chỉ có 41,7% GS. và 53,3% PGS. sử dụng Internet. Đáng tiếc là có vị trên bàn làm việc trang bị máy tính siêu hiện đại, có địa chỉ điện tử trên danh thiếp hẳn hoi nhưng nặng về “trang trí”, ít sử dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Diễn văn của ông Koichiro Matsuura khai mạc Hội nghi quốc tế về chủ đề “Công nghiệp văn hóa và các công nghệ mới về thông tin”, họp tại Hội đồng châu Âu, Strasbourg, ngày 19 tháng 11 năm 2011 (Vương Toàn dịch). In trong: Vai trò UNESCO trong thế kỷ XXI. The Role of UNESCO in the Twenty-First Century. Le role de l’UNESCO au XXIe siècle. H., Nxb Khoa học xã hội & Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam, 2005.

2.  Theo H. L. Anh, Báo Người Lao động (http://www.nld.com.vn/tintuc/thoi-su/122368.asp)

3.  Báo cáo dẫn đề, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”. H,.21-22/6/2000.

4.  Hướng tới đa dạng hóa dịch vụ thư viện ở Viện Thông tin khoa học xã hội. Trong “Thư viện - Công nghệ thông tin”. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3/2005. (www.glib.hcmuns.edu.vn/bantin/bt305/letter305.htm)

5.  Tạp chí thông tin & tư liệu, 3/1995.

 

Tin: Vương Toàn (*)
Nguồn tin: Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội số 02 - Đường dẫn
Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.