Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Nói chuyện tại hội nghị cán bộ đảng ngành giáo dục"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Nói chuyện tại hội nghị cán bộ đảng ngành giáo dục"

Cập nhật ngày 18/01/2022
 Nội dung

          Nhiệm vụ của cán bộ Đảng trong ngành giáo dục phải như thế nào? Trước hết phải đoàn kết với cán bộ ngoài Đảng. Phải biết rằng đảng viên là thiểu số so với tổng số nhân dân, nếu không có người ngoài Đảng ủng hộ, giúp đỡ thì Đảng không làm gì được. Vì vậy, cán bộ Đảng nói chung và cán bộ Đảng trong ngành giáo dục nói riêng phải đoàn kết với cán bộ ngoài Đảng. Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn.
         Giáo dục bây giờ không phải như giáo dục thời trước. Trước kia thì "vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao", nghĩa là tất cả mọi tầng lớp ở dưới thấp cả, chỉ có người đọc sách, người trí thức, mới là cao hơn hết. Đó là giáo dục của phong kiến. Vì sao?
         "Nhất tử thu quân ngâu, toàn gia tề thiên lộc". Nghĩa là một người con mà làm nên, được vua dùng thì cả nhà được ăn lộc trời. Vì người đi học thi đỗ thì một người làm quan, cả họ được nhờ.
         Nhưng trong nhân dân cũng có phản ứng lại: “Nhất sĩ nhì nông, tiền hết gạo không, thì nhất nông nhì sĩ”. Đến bây giờ tư tưởng cho lao động trí óc hơn lao động chân tay, cũng đang còn nhiều. Cái đó không đúng. Lao động trí óc có quý không? - Quý. Lao động chân tay có quý không? - Cũng quý. Người lao động trí óc, mà không liên hệ với lao động chân tay thì chỉ mới là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà văn hoá kém, không biết lao động trí óc thì cũng là người không hoàn toàn, cũng chỉ được một nửa. Vì vậy, chẳng những người lao động trí óc và người lao động chân tay phải đoàn kết với nhau, mà mỗi người lao động trí óc muốn là người hoàn toàn phải có lao động chân tay và người lao động chân tay muốn là người lao động hoàn toàn phải vừa biết lao động trí óc, vừa phải biết lao động chân tay. Người trí thức phải biết làm lao động chân tay. Người công nhân, nông dân phải có trình độ văn hoá.
          Các cô, các chú đều hiểu biết về chủ nghĩa xã hội, đều tán thành tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản cả? (Tất cả đều trả lời: Tán thành). Tốt lắm. Tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thì sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn bị xoá bỏ, sự phân biệt giữa lao động chân tay và lao động trí óc cũng bị xoá bỏ. Ở Liên Xô ngày nay bắt đầu như thế. Trong một xưởng máy tự động chỉ có mấy người công nhân, như xưởng máy làm píttông, từ một quặng sắt nâu ra, đổ vào khuôn, bôi dầu, cho đến lúc thử lại có đúng kích thước không rồi bỏ vào thùng dán lại gửi đi đều làm bằng máy, người công nhân điều khiển nhà máy đó phải có trình độ không kém kỹ sư, vì phải tính toán nhiều. Một thí dụ nữa. Bây giờ ở gần khắp Liên Xô đều thi hành giáo dục phổ thông nghĩa vụ 10 năm. Bên ta gọi là thi đỗ tú tài. Bên ta đỗ tú tài thì muốn ra làm cán bộ cấp này, cấp kia. Nhưng ở Liên Xô các cô tú, cậu tú vào nhà máy, vào nông trường. Công nhân, nông dân đều là cô tú, cậu tú. Lao động chân tay và trí óc hợp lại trong một người.
          Ta muốn tiến lên như thế. Nhưng phải đi dần dần. Cách mạng thành công ở Liên Xô đã trải qua 40 năm. Muốn như thế, trong việc giáo dục phải có môn giáo dục về lao động. Trong thời kỳ kháng chiến, ta có đề ra cho học sinh tham gia lao động sản xuất, có một thời kỳ ta có nhiều tiến bộ. Nhưng ta chưa kết hợp được chặt chẽ giáo dục văn hoá với lao động sản xuất. Mấy năm gần đây, việc giáo dục tinh thần lao động, kỷ luật lao động và giáo dục lao động có sút kém. Bây giờ phải sửa.
         Còn một điều nữa khá phổ biến trong cán bộ giáo dục cũng như cán bộ các ngành khác, là băn khoăn về tiền đồ của mình. Tiền đồ là cái gì? (Có tiếng trả lời: tiền đồ của cháu là ăn no, mặc ấm). Thế là quên một điều: tiền đồ của mọi người phải nằm trong tiền đổ chung của toàn dân.
          Nói một thí dụ: trước Cách mạng Tháng Tám, hay gần đây, trước ngày kháng chiến thắng lợi, ở trong vùng địch tạm chiếm, có người được ăn no mặc ấm, nhưng thân phận thế nào?- Nô lệ. Dù cá nhân có ăn no mặc ấm cũng là thân nô lệ vì dân tộc còn bị nô lệ. Bây giờ đuổi thực dân rồi, đánh bẹp phong kiến rồi, có người dù ăn chưa được no, mặc chưa được ấm, nhưng thân phận mình thế nào? - Là chủ đất nước, là tự do. Mọi người góp phần vào xây dựng đất nước giàu mạnh. Đó là xây dựng tiền đồ. Tiền đồ của mọi người không tách ra ngoài tiền đồ chung của dân tộc được.
         Ai cũng muốn ăn no mặc ấm. Nhưng chỉ muốn một mình ăn no mặc ấm, có đúng không?- Không đúng. Muốn ăn no mặc ấm, mọi người phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh kinh tế nước nhà tiến lên. Đảng ta đấu tranh để làm gì? - Là muốn cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, được tự do. Mỗi một đảng viên đấu tranh để làm gì?- Cũng để mọi người được ăn no mặc ấm, được tự do. Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do. Nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà ngồi ăn no mặc ấm, người khác mặc kệ, thế là không tốt. Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, như thế mới đúng. Muốn như vậy, phải ra sức công tác, ra sức lao động sản xuất.
         Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ chung của dân tộc. Nhưng có người muốn tiền đồ của mình tiến mau hơn tiền đồ của dân tộc. Trong khi kinh tế tài chính của ta có khó khăn lại muốn một mình ăn no mặc ấm. Ví dụ, ngoài đường kia có tàu điện chạy qua. Trong tàu điện có gái, trai, già, trẻ. Tàu điện đi đến đâu thì mọi người đi đến đó. Nhưng có người nói tàu điện chạy chậm quá muốn riêng mình đi cho mau, muốn nhảy ra khỏi tàu điện để chạy lên trước. Kết quả sẽ thế nào? Có thể là què chân, gãy tay. Vì vậy, không thể tách rời tiền đồ của cá nhân mình với tiền, đổ của toàn dân, toàn Đảng.
         Các cô các chú nhớ tiêu chuẩn của đảng viên không? (Có). Có mấy điều? (Thưa, có sáu điều). Một trong sáu điều là gì? Là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Mà lợi ích của Đảng không có gì riêng tức là lợi ích của giai cấp, của dân tộc.
          Có khi nào lợi ích của Đảng và lợi ích riêng của đảng viên có mâu thuẫn không? - Có. Có khi đảng viên có gia đình, cần ở gần gia đình, nhưng Đảng có việc cần, phải đi xa, thế là lợi ích của cá nhân và lợi ích chung có mâu thuẫn. Lúc đó lợi ích cá nhân phải phục tùng vô điều kiện lợi ích chung của Đảng. Nhũng đồng chí chúng ta khi trước hoạt động cách mạng bị tù đày, bị hy sinh, những chiến sĩ anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hy sinh trong kháng chiến, đã làm đúng những điều đó.
          Bây giờ đây, hoàn cảnh đấu tranh không đòi hỏi lấy thân mình lấp lỗ châu mai nữa, nhưng người cán bộ, đảng viên vẫn luôn luôn phải cố gắng rèn luyện cho đúng với tiêu chuẩn của đảng viên.
           Có khi các cô các chú lo nghĩ cho cá nhân, cái đó cũng dễ hiểu. Vì người ta không phải là thần thánh gì. Vả lại, khuyết điểm trong xã hội ảnh hưởng đến các cô, các chú. Nhưng nếu các cô, các chú cố gắng làm đúng tiêu chuẩn đảng viên thì giải quyết được nhiều thắc mắc.
          Cuối cùng Bác nhắc lại: nội bộ chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết thật chặt chẽ, do đoàn kết thật chặt chẽ trong Đảng mà đoàn kết ngoài Đảng, đoàn kết với nhân dân. Có như thế, khó khăn gì cũng vượt qua, việc gì củng làm được.
Sách Hồ Chủ tịch bàn về giáo dục, Nxb. Giáo dục,
Hà Nội, 1962, tr.168-172.
(Sđd. Tập 8, tr.394-397)
(Trích "Chuyện kể Bác Hồ với nhà giáo". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV18.3661,   Phòng mượn: MEVV18.7131 - 7132)
 

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.