Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Lộc bất tận hưởng"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Lộc bất tận hưởng"

Cập nhật ngày 06/02/2023
 Nội dung

            Đó là câu tục ngữ, câu răn dạy, khuyên bảo con người, có nghĩa "có lộc không nên hưởng hết một mình" mà nên chia sẻ cho người khác.
           Tháng 8 năm 1945, trên đường từ chiến khu về Hà Nội, dừng chân ở một căn nhà làng Gạ, ngoại thành Hà Nội, khi gia đình dọn cơm, Bác đã xẻ phần thịt gà ngon, mềm vào bát cụ chủ nhà.
           Trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp, trên Việt Bắc, ăn cơm cùng với các chiến sỹ bảo vệ, anh nuôi, bao giờ Bác cũng chia đều thức ăn cho cả mâm. Chị Minh Phương giúp việc chăm sóc sức khỏe Bác bày ra cái mẹo ninh gà nhừ, ít nước đặc để riêng cho Bác. Bác biết ý nói vui "thế là khôn ăn cái, dại ăn nước". Rồi Bác cũng lấy thìa san cho đủ người trong bữa ăn.
             Một lần, Văn phòng Chủ tịch nước nhận được một miếng cao mật ong của các vị lãnh đạo Đảng Trung Quốc tặng. Anh em mời "Bác dùng cho khỏe".
              Bác gọi đồng chí cấp dưỡng lên, nói:
            - Chú đem miếng cao này xuống bếp, bỏ vào nồi, đong đủ 24 bát nước, có ít gạo tẻ, gạo nếp càng tốt, đun lên, chia đều cho 24 người của Văn phòng.
              Bác cũng chỉ là một trong 24 suất ấy. Đồng chí cấp dưỡng tần ngần chưa chịu đi. Bác cười nói:
              - Làm đi chứ. "Lộc bất tận hưởng" mà chú!
              Viết xong bài này, một vị "người cao tuổi" cũng là "cao niên cách mạng" bảo tác giả:
              - Nói xa xôi, cao siêu quá. Không chắc người ta đã hiểu hết ý của người viết.
              - Xin mời góp thêm.
              Và đây là đoạn góp thêm:
            "Hiện nay trong xã hội ta có một số người mồm nói "lộc bất tận hưởng" nhưng làm thì hưởng tất. Các tiêu chuẩn đất, nhà, diện tích - hưởng đủ - có khi còn hai, ba suất. Đi họp hành ở nước ngoài - đi hết, chẳng nhường cho ai, năm nào cũng đi, nước nào cũng đi. Chỉ tiêu tuyển thêm người vào cơ quan "ôm" hết cho con cháu, "bạn... tiền, đô la chục tờ". Tuy vậy, họ cũng có "chia" đấy! Tham quan nghiệp vụ chuyên môn ngành lịch sử, báo chí, xã hội, truyền thông, họ chia cho "cô em tài vụ xinh xẻo" một vé đi cùng! Có vị còn "chia" chính sách ngay cho con trai, vợ chính thức - cả không chính thức "tháp tùng" đi theo! Chia đấy mà nhận đấy. Nói cho cùng là họ "măng giê tú", húp cạn bát canh.
           Tác giả sợ người cao tuổi tăng huyết áp nên xua xua tay:
          - Thôi, xin cụ... thời thế mà. Nói như một cụ khác. Thời nào, nước nào mà không tham nhũng. Xin cụ bỏ quá đi cho. Chín bỏ làm mười, cụ ạ.
           Nhưng cụ không thua, gằn giọng:
        - Tận hưởng thế nên sắp chết còn đòi cho được chôn ở khu này, nghĩa trang kia. Cho nên, sau này khi mất không tránh khỏi bia miệng của người đời.
          Hoảng quá, người đối thoại chắp tay:
          - "Con" xin cụ ạ. Xin cụ bảo trọng!

(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.