Năm 1960, tháng 7, ngày 17, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi nghỉ tại Sầm Sơn.
Chín giờ sáng Bác tới Sầm Sơn, Người lên thẳng miếu Cô Tiên, nghe Trưởng đồn công an thị trấn Sầm Sơn báo cáo tình hình và nghỉ trưa tại đó. Một giờ chiều, Người làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh, nhằm giúp đỡ Thanh Hóa nhanh chóng khắc phục tình trạng đói nghèo. Tối hôm ấy, Bác nghỉ tại miếu Cô Tiên.
Sáng ngày 18, Người ra bãi biển ngắm cảnh, nói chuyện với ngư dân xóm Vĩnh Sơn, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương (nay thuộc phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn).
Sau đó, Bác tới thăm gia đình một đồng bào làm nghề đánh cá, chụp ảnh chung với cháu bé trong gia đình, thăm nhà nghỉ của Tổng Công đoàn, nói chuyện với nhân viên phục vụ ở đây. Bác đi thăm trại nuôi dưỡng thương binh, trại an dưỡng cụ già nghèo miền Nam, trèo núi thăm một đơn vị bảo vệ bờ biển. Tối, Bác xem phim với đồng bào, bộ đội, rồi lại về miếu Cô Tiên nghỉ.
Sáng 19, Bác ở thị xã Thanh Hóa, và hôm sau về Hà Nội. Trong chuyến đi này, các nhà nhiếp ảnh có chụp được nhiều ảnh về Bác. Có ảnh Bác kéo lưới bắt cá với dân, ngồi trò chuyện với cụ già đánh cá, Người mặc quần đùi, cởi trần, đầu không nón, mũ. Khi bức ảnh được in ra, có người rất thích, khen đẹp, có cán bộ tuy cũng đồng ý là được nhưng không cho công bố "vì để giữ bí mật". Hay là thật lòng anh cán bộ nghĩ để ảnh Bác "dân dã" như vậy có điều gì khiếm khuyết chăng?
Chính vì vậy, cho đến ba mươi năm sau, tấm ảnh "Bác Hồ trên bãi biển Sầm Sơn" mới được xuất hiện trên báo.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)