Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm “Tấm gương tự học của Bác Hồ” (4)

Cảm nhận về tác phẩm “Tấm gương tự học của Bác Hồ”

BÀI ĐẠT GIẢI KHUYẾN KHÍCH CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"

Cảm nhận về tác phẩm “Tấm gương tự học của Bác Hồ”
(Họ tên: Huỳnh Ngọc Yến Nhi, P4, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

 

          Cuộc đời của Bác là một quá trình: Vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân. Người là nơi hội tụ với tầm cao nhất tinh hoa văn hóa nhân loại, xứng đáng với sự tôn vinh của tổ chức UNESCO: Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Quá trình ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Người đã để lại tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời mà chúng ta phải noi theo.

          Đó là những gì tôi đã đọc được trong quyển sách “Tấm gương tự học của Bác Hồ” do Đặng Quốc Bảo biên soạn do Nhà xuất bản Thanh niên, phát hành năm 2010. Với gần 300 trang, nội dung quyến sách giúp chúng ta nhận rõ về giá trị việc tự học, Bác coi lời dạy của Lênin "Học, học nữa, học mãi" là phương châm sống, phương châm hành động của mình.

          Tự học là hoạt động có mục đích của con người, là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri  thức. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người. Và cả cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương lớn về tự học.

          Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"(1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt", Bác đặt đầu tiên là ý chí tự học. Ngay từ khi Bác Hồ đang trong lứa tuổi thanh niên, Bác phải làm việc rất cực khổ, nhưng vẫn có ý chí vượt khó và say sưa tự học. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới.

          Thứ hai là phương pháp tự học của Bác. Đó là tranh thủ mọi thời gian để học, tranh thủ học được nhiều người. Đó là cách học kiên trì, bền bĩ, năng động và học thường xuyên. Có lần nói chuyện với thanh niên, Bác cho biết: Để học được ngoại ngữ Bác phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ, học ở mọi nơi mọi lúc cho kỳ thuộc, có khi viết các từ đó lên cánh tay để vừa làm vừa nhìn vào đó cho nhớ. Hôm sau lại học mười từ khác, cứ thế mà tích lũy dần như ta bỏ tiền tiết kiện hàng ngàn vào ống. Bằng cách đó dần dần Bác đã học được rất nhiều ngoại ngữ.

          Sự tự học của Người gắn chặt chẽ với mục tiêu lí tưởng mà Người đã vạch ra trong cuộc đời mình: Học để biết, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình, học để biết căm ghét áp bức ích kỷ, biết trở thành hữu ích cho nhân dân.

          Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở đồng chí và thế hệ trẻ phải có nỗ lực cao về “Học – Tự học”. Người dạy: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lí luận với công tác thực tiễn. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, đã biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

          Trong tập Nhật ký trong tù của Bác có bài Nghe tiếng giã gạo, cho ta thấy sự rèn luyện mới thành công:
                           "Gạo đem vào giã bao đau đớn
                            Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
                            Sống ở trên đời người cũng vậy
                            Gian nan rèn luyện mới thành công”.

          Đó chính là ý chí tự học, tự rèn, tự phấn đấu không mệt mỏi. Người dạy: “Không chỉ có ở nhà trường, có lên lớp mới học tập… Trong mọi hoạt động, chúng ta đều phải học tập!”. Đọc qua tác phẩm chúng ta rút ra ở Người những bài học quí báu.

          Qua đó, mỗi người dân đều phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, có tư duy độc lập và sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng công tác.

          Học tập là “suốt đời” - “ham học tập để nâng cao trình độ của mình” và coi đây là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của mỗi người. Rèn luyện như thế nào để Học tập phải trở thành nhu cầu, thói quen, hành vi hàng ngày của mỗi người dân. Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, soi xét trong thực tiễn đã qua, hiện nay và cả mai sau, vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc; đó mãi là một tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục của Đảng và nhân dân ta.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.