Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm "Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh"

Cảm nhận về tác phẩm "Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh"

BÀI ĐẠT GIẢI III CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"

Cảm nhận về tác phẩm “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh
(Họ tên: 
Võ Thị Phương Thanh – Xã đoàn Hòa An, thành phố Cao Lãnh, ĐT)

          Tự bao giờ trong đầu tôi luôn miên man với suy nghĩ “Học tập thường xuyên, học tập suốt đời” là gì? Là thế nào để “Học tập thường xuyên, học tập suốt đời” có hiệu quả? Và giờ đây trên tay tôi là quyển sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”, tôi mới cảm nhận được những bậc cha ông ta đã rèn luyện và tự học như thế nào? Quyển sách như một làn gió mới, một hướng đi mới để chúng ta có thể học tập và tự học một cách có hiệu quả.

          Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống hiếu học, chú trọng lễ nghĩa. Từ lúc ban sơ chúng ta đã nghe được câu “Học ăn học nói, học gói học mở”.

          Như cổ nhân ta từ xưa cũng đã có câu:
          “Dưỡng tử giáo độc thư
          Thư trung hữu kim ngọc”
          Có nghĩa là: nuôi con phải biết dạy con đọc sách vì trong sách có vàng ngọc.

         Với câu tục ngữ “Bảy mươi còn học bảy mươi mốt”, ông cha ta đã khẳng định, học tập không dừng lại ở tuổi trẻ, học tập không bao giờ là đủ. Luôn luôn học tập không ngừng nghĩ. Đến với thời đại của Bác Hổ chúng ta cần thấm nhuần truyền thống học tập  thường xuyên, học tập suốt đời mang ý nghĩa như thế nào?

          Đọc lời nói đầu với dòng chữ: “Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có một mong muốn “Dân tộc ta sẽ trở thành một dân tộc thông thái”. Đây cũng là khát vọng ngàn đời của một dân tộc mang trong mình niềm kiêu hãnh là con Rồng cháu Tiên. Nhưng ước muốn sẽ mãi mãi chỉ là ước muốn nếu con người không thực sự nỗ lực và có phương pháp đúng đắn để ước muốn trở thành hiện thực”. Vậy chúng ta cần làm gì để thực hiện được mong ước của Bác, khát vọng ngàn đời của cả dân tộc?

          Bác của chúng ta được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống nho học. Ngay từ nhỏ Bác đã luôn ghi nhớ lời dạy của Cha là: “Học phải có sách” và “ Việc đọc sách là đáng quí lắm, ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói nhịn khát”. Bác chúng ta yêu sách báo từ đó, Bác xem sách báo là người bạn đường tri kỷ của mình. Sách báo luôn theo Người trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Trong suốt thời gian bôn ba khắp năm châu của Người. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có khắc nghiệt ra sao người luôn nêu cao tinh thần ham học hỏi. Sau này Người đã kể lại: “Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thợ sữa ảnh ở Pari. Hằng ngày tôi đi đến xưởng, chiều tối tôi tham gia các buổi họp của Đảng hoặc dự mít tinh của công nhân. Cuối ngày tôi đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp”. Trong thời kỳ ở Pắc Bó, thời gian chiến đấu ác liệt, Bác luôn mang sách báo bên mình. Và khi đã là một vị lãnh tụ, người đứng đầu nhà nước nhưng người sống rất mực giản dị. Cuộc đời Người là của nước non, còn gia sản của Người chẳng có gì đáng giá ngoài sách vở.

         Sinh thời, Người từng phê phán rất thẳng thắn những cán bộ của ta không chịu dành thời gian đọc sách, đọc báo. Với Hồ Chủ tịch, sách báo thực sự có ý nghĩa là công cụ lao động đặc biệt. Đọc sách cần có phương pháp cụ thể, Người  đã chỉ rõ: “Khi đọc báo, chúng ta phải biết phân tích, tổng hợp phán đoán. Chớ có đọc báo như đọc truyện cổ tích để giải trí”. Bác cũng rất chú trọng vấn đề tự học, Hồ Chủ tịch xác định phương châm học tập: “lấy tự học làm gốc”. Trong việc học tập Bác Hồ đặc biệt chú trọng đến động cơ, thái độ học tập: “Muốn học tập có kết quả thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”.

          Cùng với Hồ Chí Minh, người học trò của Bác là Võ Nguyên Giáp đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào thể hiện tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam. Từ bé, ông đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, ham đọc sách. Ông luôn tìm tòi học hỏi, nghiên cứu sách vở. Là vị chỉ huy tối cao nhưng ông còn chú ý học từ quân, luôn lắng nghe những lời góp ý của cấp dưới, tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy trí tuệ và ông đã thực hiện thành công nghệ thuật dẫn dắt tư duy. Cuộc đời của ông không ngừng học tập và quan tâm đến việc khuyến khích nhân dân học tập. Ông từng nói: “Thế hệ cha anh đã xóa được nỗi nhục mất nước, thế hệ trẻ cần xóa đi nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu”.

          Đi cùng với thế hệ của ông còn có Giáo sư Tạ Quang Bửu một thiên huyền thoại về tự học và ham đọc sách và những người có tinh thần hiếu học khác.

          Trước nền những bậc vĩ nhân về sự hiếu học, chúng ta nghĩ và làm gì để tiếp bước truyền thống hiếu học đó. Là Thanh niên thế hệ Bác Hồ, khi xem quyển sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học” tôi càng muốn mình phải phấn đấu hơn trong việc “học tập thường xuyên và học tập suốt đời”. Tôi hiểu rằng: “kiến thức là vô tận và mình chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc mênh mông ấy.”

          Và hơn nữa thực tiễn đời sống thì muôn hình muôn vẻ, thiên nhiên, vũ trụ thì vô tận, đời người lại hữu hạn, làm sao có thể hiểu biết, có thể khám phá được hết? Khoa học ngày nay cũng đã phát triển tới một trình độ rất cao, một phạm vi rất rộng với một tốc độ rất lớn. Nếu chúng ta dừng lại không “tiếp tục” học hỏi thì vốn hiểu biết của mỗi người sẽ nhanh chóng trở thành thấp kém lạc hậu so với trình độ của thời đại cách mạng khoa học và kĩ thuật. Hơn nữa, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đang phát triển ngày càng cao, đặt ra nhiều vấn đề mới và khó khăn. Nó đòi hỏi mỗi người phải luôn luôn đổi mới, do đó mà mỗi người chúng ta phải có những hiểu biết và năng lực mới phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, dân tộc. Bác Hồ nhấn mạnh rằng chúng ta phải học hỏi “suốt đời” nghĩa là không được hạn định việc học hỏi ở một thời gian nhất định của một đời người, việc học hỏi phải được tiếp tục thường xuyên cho đến khi con người nhắm mắt xuôi tay./.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.